Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 47 ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống với đa dạng mặt hàng từ sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, đến gốm sứ, mây tre đan... Thực tế cho thấy, bên cạnh thị trường trong nước, các làng nghề TCMN cần tập trung hướng đến xuất khẩu, là thị trường hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Thường xuyên thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm TCMN để góp phần tăng năng lực cạnh tranh trong thị trường hội nhập
Trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2026-2030 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng TCMN chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.
Các cuộc thi thiết kế sáng tạo mẫu sản phẩm làng nghề TCMN mỗi năm lựa chọn hàng trăm mẫu mới, cho thấy khả năng sáng tạo cũng như tay nghề của nghệ nhân rất tốt. Cùng với việc thường xuyên thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm góp phần tăng năng lực cạnh tranh trong thị trường hội nhập, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tạo thương hiệu để các sản phẩm TCMN từng bước có chỗ đứng vững chắc trên các thị trường tiềm năng.
Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề luôn được xác định có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, thủ công mỹ nghệ được kỳ vọng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển./.