Tục xin chữ đã có từ hàng trăm năm trước, bắt nguồn từ truyền thống Nho giáo, nơi mà tri thức và đạo đức luôn được đề cao. Ở khu vực phía Nam, tục xin chữ ông đồ mang một màu sắc riêng, vừa giản dị, vừa đậm tình người.
Từ những ngôi chợ Tết truyền thống như Chợ Lớn (Tp.HCM), Chợ Bến Tre, Chợ Cái Răng (Tp.Cần Thơ) cho đến các không gian hiện đại như phố ông đồ tại Nhà Văn hóa thanh niên Tp.HCM, hình ảnh các ông đồ, bà đồ trong tà áo dài thướt tha, cẩn trọng vẽ từng nét chữ đã trở thành một phần không thể thiếu của không khí Tết.
Có mặt từ sáng sớm tại phố Ông đồ tại Nhà Văn hóa thanh niên Tp.HCM để chụp hình, chị Vy (20 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết: “Mình đến phố ông đồ hôm nay để vừa tham quan vừa xin chữ để trang trí nhà cửa ngày Tết, mong năm mới sẽ có thật nhiều may mắn và bình an".
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, thầy đồ Thanh Thoại cho biết: "Năm nào tôi cũng ra đây với mong muốn được trải nghiệm và học hỏi. Ngoài việc được viết chữ cho những người dân, bạn trẻ đam mê với truyền thống, thì còn giúp tôi tìm thấy được niềm vui và đam mê.
Khi xin được câu đối hay con chữ như ý nguyện, mọi người sẽ đem về nhà treo vào nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ ngắm nhìn, để cầu nguyện cho một năm mới hạnh phúc, bình an. Từ xưa, thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới của người Việt được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng trong gia đình rồi".
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận tại phố ông đồ nhà Văn hóa thanh niên Tp.HCM:
Mỹ Hậu - Nhã Linh
Link nội dung: https://cafesang.net/sac-xuan-ngap-tran-pho-ong-do-o-tphcm-a34121.html