Thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Tiềm năng xuất khẩu đầy lợi nhuận

Trên thị trường xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, trong đó đặc biệt là các sản phẩm mây tre đan, sơn mài, thêu ren, gốm sứ.

Chỉ tính riêng hàng gốm sứ, là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2024, ngành gốm sứ đã đem lại hơn 317 triệu USD từ xuất khẩu, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đồ gốm sứ Việt Nam với kim ngạch đạt 81 triệu USD, tăng 55,70% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 25,5% thị phần.

picture1-1731467386.jpg

Đa dạng mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khác nhau

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 47 ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống với đa dạng mặt hàng từ sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, đến gốm sứ, mây tre đan... Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4% - 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng TCMN chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

2-1731467975.jpg

Gian hàng sản phẩm TCMN của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế luôn thu hút đông khách thăm quan

Các chuyên gia thị trường nhận định, xuất khẩu TCMN đang có nhiều triển vọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 với lợi thế của kênh thương mại điện tử, giúp tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, đặc biệt là trên thị trường thế giới. TCMN là một trong những nguồn quan trọng của hàng hóa xuất khẩu và tiềm năng ngoại  hối. Bên cạnh đó, xu hướng thị hiếu khách hàng đối với các mặt hàng trang trí đậm nét văn hóa dân tộc đang thu hút một lượng lớn các nhà đầu  tư trong nước và quốc tế, đem đến tín hiệu tích cực cho  thị trường xuất khẩu TCMN. Thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1007 tỷ USD vào năm 2023, hướng đến con số 1107 tỷ USD vào năm 2024 và 2394 tỷ USD vào năm 2032.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề trong xúc tiến thương mại, ngành Công thương Hà Nội trong những năm qua thường xuyên tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước, thu hút hàng chục nghìn lượt khách thăm quan, giao dịch, qua đó tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nắm bắt được xu thế thị trường từ đó định hướng được sản xuất đúng và trúng. Đặc biệt, các hội chợ quốc tế quà tặng thủ công mỹ nghệ (Hanoi Giftshow) hàng năm chính là cầu nối giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN của Hà Nội gặp gỡ, giao dịch, kết nối kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà nhập khẩu, khách thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững của hàng thủ công mỹ nghệ./.

Link nội dung: https://cafesang.net/thu-cong-my-nghe-viet-nam-tiem-nang-xuat-khau-day-loi-nhuan-a28066.html