Tham gia vào thị trường tiềm năng - cơ hội và thách thức đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội

Cả nước hiện có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận (theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tính đến tháng 4/2024). Riêng thành phố Hà Nội có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, trong đó có 22 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh thị trường nội địa, nhiều năm qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, hàm lượng xuất khẩu rất cao.

picture1-1730960868.jpg

Các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố phát huy những ý tưởng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, phù hợp thị hiếu khách hàng.

Các chuyên gia dự báo, thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới và sẽ đạt 1.204,7 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam là một trong những nước  xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chính ở Châu Á. Một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc...

Việc Việt Nam tham gia vào mạng lưới FTA thế hệ mới, đặc biệt đã ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu, các sản phẩm làng nghề, trong đó có thủ công mỹ nghệ, có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không ít đòi hỏi các doanh nghiệp làng nghề phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa.

Hiệp định EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ, dù rằng thuế xuất khẩu của mặt hàng này từ trước khi có Hiệp định vẫn ở mức 0%. Tác động của Hiệp định đối với các doanh nghiệp làng nghề là tác động kép, có đi có lại, đó là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển; tạo lực kéo giúp các doanh nghiệp làng nghề nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

2-1730960949.jpg
3-1730960964.jpg

Thường xuyên tổ chức các hội chợ quốc tế nhằm quảng bá,

giới thiệu sản phẩm, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu

EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của các doanh nghiệp, làng nghề về các cam kết theo EVFTA để thực thi, áp dụng hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4% - 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

Một trong những giải pháp căn cốt để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ chính là phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định. Ngành Công Thương cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến Thương mại nhằm hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả của các Hội chợ tại Việt Nam như Hội chợ quốc tế Hanoi Gift Show, Hanoi Great Souvernirs quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, kết nối kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Giftshow) do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công &TVPTCN (IDC) tổ chức thường niên trong 14 năm qua đã ghi nhận trên 130.000 lượt khách tham quan, giao dịch mua sắm, trong đó có trên 8.500 lượt nhà nhập khẩu, khách thương mại quốc tế tham gia các hoạt động kết nối giao thương, hàng nghìn hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn đã được giao dịch ký kết, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng TCMN từ 6-8%/ năm. Hanoi Giftshow đã tạo cầu nối giúp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN Hà Nội và cả nước gặp gỡ, giao dịch, kết nối kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà nhập khẩu, khách thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu, góp phần đưa các sản phẩm TCMN của Việt Nam có vị thế trên thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường tiềm năng./.

Hải Yến

 

 

 

Link nội dung: https://cafesang.net/tham-gia-vao-thi-truong-tiem-nang-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-lang-nghe-thu-cong-my-nghe-cua-ha-noi-a27528.html